Theo kết quả khảo sát do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 27/4, chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) trong tháng 4 đạt 103,8 điểm, tăng 0,6 điểm so với một tháng trước.
Chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp có xu hướng tăng hai tháng liên tiếp sau khi liên tục lên xuống tùy theo số ca nhiễm COVID-19 và biện pháp phòng dịch của Chính phủ.
CCSI được tổng hợp từ 6 trong số 15 chỉ số cấu thành nên chỉ số lòng tin của người tiêu dùng (CSI), gồm nhận định của người tiêu dùng về tình hình cuộc sống hiện tại, triển vọng cuộc sống tương lai, triển vọng thu nhập hộ gia đình, triển vọng chi tiêu tiêu dùng, đánh giá nền kinh tế hiện tại và triển vọng kinh tế. Nếu CCSI vượt ngưỡng 100 điểm thì phản ánh tâm lý tiêu dùng lạc quan và ngược lại. Chỉ số này tăng đồng nghĩa tâm lý tiêu dùng được cải thiện so với tháng trước đó.
Trong 6 chỉ số cấu thành nên chỉ số CCSI, triển vọng thu nhập hộ gia đình đạt 99 điểm, triển vọng chi tiêu tiêu dùng đạt 114 điểm, triển vọng kinh tế tương lại đạt 87 điểm, tương tự mức của một tháng trước. Tình hình cuộc sống hiện tại đạt 92 điểm, tăng 2 điểm so với tháng 3; nhận định về nền kinh tế hiện tại tăng 3 điểm đạt 74 điểm. Tuy nhiên, triển vọng cuộc sống tương lai đạt 95 điểm, giảm 1 điểm.
Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng theo cảm nhận của người dân trong một năm trở lại đây là 3,2%, tăng 0,3% so với tháng trước, mức cao kỷ lục kể từ tháng 4 năm 2013.
Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng trong một năm tới là 3,1%, tăng 0,2% so với số liệu khảo sát hồi tháng 3, mức cao nhất kể từ sau tháng 4 năm 2013.
BOK phân tích các yếu tố như tiêu dùng nội địa tăng sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, chiến sự Nga-Ukraine kéo dài làm gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân khiến giá cả tăng.
Chỉ số về triển vọng giá nhà tăng thêm 10 điểm, từ 104 điểm của tháng 3 lên 114 điểm trong tháng 4 do kỳ vọng của người dân về việc nới lỏng và phát triển quy chế bất động sản trong bối cảnh tốc độ và ngưỡng giảm giá bán căn hộ chung cư đã chững lại.
Chỉ số về triển vọng lãi suất đạt 141 điểm, tăng 5 điểm, mức cao nhất trong lịch sử, phản ánh lo ngại tăng lãi suất cơ bản và lạm phát.